Nên dùng bàn cầu 1 khối hay bàn cầu 2 khối?
Khi chọn mua bàn cầu, nhiều người thường đắn đo giữa việc nên dùng bàn cầu 1 khối hay bàn cầu 2 khối. Nếu đây cũng là vấn đề bạn đang quan tâm thì theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé.
Về cơ bản, bàn cầu 1 khối và bàn cầu 2 khối có những điểm khác biệt sau:
1. Về giá cả
Xét về tổng thể, giá bàn cầu 2 khối thường rẻ hơn so với bàn cầu 1 khối, chỉ từ 3 triệu đồng nên phù hợp với các công trình có mức chi phí đầu tư thấp. Trong khi đó, giá bàn cầu 1 khối cao hơn, nhưng bù lại chúng có thiết kế đẹp mắt và nhiều tính năng hiện đại hơn.
2. Về thẩm mỹ
Bàn cầu 2 khối có cấu tạo phổ biến nhất, với thiết kế phần két nước (thùng nước) tách rời khỏi bệ ngồi và thường được đặt ở phía trên bệ ngồi. Dòng bàn cầu này phù hợp với mọi không gian vệ sinh có diện tích từ hẹp đến rộng do thiết kế phần thân bàn cầu tương đối thon gọn và tinh tế.
Bàn cầu 1 khối là loại bàn cầu có thiết kế phần két thùng nước và bệ ngồi được đúc thành một khối thống nhất liền mạch tạo ra sự sang trọng, cao cấp. Ngoài ra, phần bệ ngồi có chiều ngang khá rộng nên đem đến cho người dùng cảm giác thoải mái khi sử dụng. Tuy nhiên, do phần bệ ngồi lớn nên kiểu thiết kế bàn cầu 1 khối chỉ phù hợp với phòng vệ sinh có diện tích rộng.
3. Về trọng lượng, kỹ thuật
Về trọng lượng, bàn cầu 2 khối có trọng lượng nhẹ hơn so với bàn cầu 1 khối do kết cấu tách rời giữa phần thân và két nước. Còn với bàn cầu 1 khối, do được đúc nguyên khối nên thường có khối lượng nặng hơn hẳn.
Về mặt kỹ thuật, không có quá nhiều khác biệt giữa hai loại bàn cầu này, chủ yếu khác nhau về mặt công nghệ. Cụ thể là bàn cầu 1 khối sẽ được tích hợp nhiều tính năng hơn. Tiêu biểu có thể kể đến bàn cầu trứng hay các loại bàn cầu thông minh với các tính năng tự động giúp quá trình vệ sinh trở nên đơn giản, thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý yêu cầu khi lắp đặt và thay thế, sửa chữa của 2 loại bàn cầu này. Với bàn cầu 2 khối không yêu cầu gầm cao, việc vận chuyển và lắp đặt khá dễ dàng. Nếu một bộ phận bị hỏng chỉ cần thay một trong 2 mà không cần thay mới toàn bộ.
Ngược lại, yêu cầu lắp đặt bàn cầu 1 khối cần phải có gầm cao, hệ thống thoát tốt để việc xả rửa phát huy hết tính năng. Khi gặp vấn đề hỏng hóc thì bàn cầu 1 khối không thể thay thế riêng rẽ từng bộ phận mà bắt buộc phải thay mới hoàn toàn. Chi phí mua mới khá đắt đỏ, chưa kể tiền công lắp bệt mới cũng khá cao.
4. Về công năng
Bàn cầu 2 khối có nắp đóng thường hoặc nắp đóng êm, điện tử/rửa cơ mang tới nhiều lựa chọn cho người dùng. Bàn cầu 2 khối thường sử dụng công nghệ xả thẳng. Khi đó, nước từ trên két nước chảy qua những lỗ tròn xung quanh vành bệt tạo ra tiếng ồn lớn và tốn nhiều nước. Hiện nay các dòng bàn cầu 2 khối cũng được cải tiến với nút xả nhấn 2 chế độ để giảm thiểu lượng nước sử dụng nhưng vẫn có độ ồn khá cao.
Tương tự như bàn cầu 2 khối, bàn cầu 1 khối cũng có các loại nắp đóng êm, nắp rửa điện tử/rửa cơ. Nhưng khác với bàn cầu 2 khối ở hệ thống xả, bàn cầu 1 khối ứng dụng công nghệ xả Siphon Jet và công nghệ xả đẩy – hút nhanh nên êm ái và tiết kiệm nước hơn. Ngoài ra, một số loại bàn cầu 1 khối thông minh còn được tích hợp nhiều tính năng như điều khiển từ xa, tự động rửa, tự động xả… giúp đem tới sự thoải mái, tiện nghi cho người dùng.
5. Về khả năng vệ sinh
Bàn cầu 2 khối có đặc điểm ở dưới khe nối giữa két nước và phần bàn có kẽ hở khá lớn nên dễ bám bẩn, khó vệ sinh hoặc không vệ sinh được toàn diện.
Ngược lại, bàn cầu 1 khối thiết kế liền thân, vành kín, không khớp nối giúp dễ dàng vệ sinh bởi không còn khe hở giữa phần bệ ngồi và két nước - nơi thường bám nhiều chất bẩn hay vi khuẩn.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm của bàn cầu 1 khối và bàn cầu 2 khối, có sự so sánh giữa hai loại bàn cầu để từ đó lựa chọn cho gia đình một thiết bị phù hợp thẩm mỹ và chi phí.